CHUẨN BỊ GÌ CHO CON VÀO LỚP 1
Giai đoạn tháng 4, tháng 5; cuối năm học cũ, là giai đoạn mà rất nhiều bậc Phụ huynh lo lắng cho năm học sắp tới của con, đặc biệt đối với các học sinh chuyển cấp: Từ Mầm non lên Tiểu học, lớp 5 lên lớp 6, lớp 9 lên lớp 10… trong đó, những mầm non đáng yêu vốn đang được chăm chút là nhận được sự quan tâm lớn nhất.
Từ đó, hàng loạt lớp Tiền tiểu học, lớp học thêm,… được ra đời phục vụ nhu cầu của nhóm học sinh này.
- Tại sao cần chuẩn bị?
Có rất nhiều thay đổi từ Mầm non lên Tiểu học, tạm thời tôi phân tích dựa trên các nhóm chính.
Một là, sự khác biệt về sinh học: Sau khi hoàn thành chương trình Mầm non, về cơ bản, các con đã phát triển trí não đến 90% (5 tuổi đã có toàn bộ số neuron thần kinh cần thiết, 6 tuổi đã có kích thước bằng 90% não người trưởng thành); các loại hình vận động của cơ thể, thể chất cũng dần hoàn thiện ở mức tương đối. Vì thế, về sức khỏe và thể trạng các bố mẹ không phải quá lo lắng cho các hoạt động của con ở lớp 1.
Hai là sự khác biệt về kỹ năng, bao gồm các kỹ năng học tập; kỹ năng chăm sóc cá nhân. Nếu như ở Mầm non, các con tham gia các hoạt động học tập thông qua chơi (play based learning); thiên về hình ảnh và hoạt động trực quan; các hoạt động được chăm sóc kể cả vệ sinh cá nhân thì ở lớp 1, các con phải tự học nhiều hơn, trừu tượng hơn; các hoạt động chăm sóc sẽ phải tự lập hơn: ăn khay, sử dụng thìa, đũa, dĩa; chủ động xin phép đi vệ sinh….
Ba là, sự thay đổi đột ngột về thói quen sinh hoạt và môi trường ngoại cảnh (bàn ghế gì mà giống hệt nhau, chẳng có màu gì ngoài đen trắng, chẳng thấy đồ chơi đâu; học thì phải ngồi nghe cô giảng toàn những gì khó hiểu, không thấy gấu, cá, unicorn; búp bê,…) trong khi ở mầm non thì ngồi, nằm, chạy nhảy,…; phương thức tổ chức hoạt động học tập: lần đầu tiên trải nghiệm hoạt động học tập theo khung thời gian cố định với tư thế, sự tập trung,… kéo dài tối thiểu 35’;… tác động tới tâm lý khiến các con lo lắng và thay đổi trở nên rụt rè, nhút nhát… và bố mẹ bị lây luôn, lo lắng và hoang mang.
Những thay đổi này sẽ sớm được các siêu nhân nhí thích nghi nhanh chóng bởi năng lực tiếp thu vô hạn và khả năng thích nghi nhanh của trẻ, tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị sớm hơn thì đương nhiên sẽ tốt hơn, cũng giống như chúng ta chuẩn bị cho con khi sốt mọc răng vậy, ai cũng vượt qua dù có khác nhau.
- Cần chuẩn bị những gì?
Từ 3 điểm đáng lưu ý nêu ở trên, có thể thấy, việc tập đọc, tập viết sớm có thể tốt hơn nhưng không phải là điều kiện bắt buộc và tiên quyết để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, tôi vẫn hay đùa rằng con tôi hết lớp 12 rồi cũng sẽ biết đọc biết viết mà thôi; khái quát hóa là những kỹ năng/đặc điểm mang tính giai đoạn, nếu bỏ lỡ sẽ không thực hiện lại được thì sẽ được ưu tiên hơn.
Về thể chất, trí não: Mỗi giây, trẻ 5 tuổi sản sinh trung bình 1 triệu mối nối/liên kiết (synapse) giữa các neuron với nhau; các mối nối này sẽ quyết định tính hiệu quả của các hoạt động tư duy, vận động, giao tiếp (lý do của hàng vạn câu hỏi vì sao, cái gì,… của trẻ ở giai đoạn này). Để giúp các con, cách duy nhất là cố gắng và kiên nhẫn trả lời tất cả các câu hỏi của trẻ, có thể “vô tình” trả lời sai, gần đúng các câu hỏi. Đặc biệt, tuyệt đối không dỗ trẻ ăn bằng Youtube, Tiktok; các short videos này khiến não sử dụng nhiều dopamine, tác động rất lớn đến năng lực tập trung. Chế độ dinh dưỡng để đảm bảo thể chất và trí não cũng cần được chú tâm, nếu không muốn các con thuộc danh sách lưu ý đặc biệt của Nhà trường. Trong suốt quá trình công tác của mình ở các trường tư thục, tôi đã gặp nhiều trường hợp chỉ ăn cơm + nước canh; cơm + xì dầu; cơm + rong biển;… cá biệt có bạn chỉ ăn cơm trắng nhạt để đến khi các bạn háo hức ăn buffet thì con ngồi khóc.
Các kỹ năng:
- Kỹ năng vận động tinh: chuẩn bị cho các vận động chi tiết như cầm bút, vẽ, tô màu chi tiết,
- Kỹ năng chăm sóc cá nhân: Ở các trường tư thục hoặc trường công lập triển khai bán trú; các con sẽ chuyển từ ăn bát tô sang ăn khay; Thực phẩm thay vì được cắt nhỏ sẽ để miếng lớn hơn; các món cháo, thịt băm, trứng rán, trứng sốt dễ ăn và quen thuộc sẽ thưa dần ở thực đơn của các con; vì thế, sử dụng thìa để xúc ăn gọn gàng, một số trường rèn nếp và kỷ luật có thể các con sẽ xếp ghế, cất khay, đổ thức ăn thừa vào nơi quy định,…
- Kỹ năng tập trung: Do đặc điểm thể chất và giới tính; các bé nam chỉ có thể duy trì tập trung từ 10-20’, các bạn nữ có khả năng duy trì tập trung lên tới 30’ nên sẽ thích nghi với tiết học nhanh hơn; tập luyện tốt hơn và trông “điềm đạm như người lớn” và “trí thức” hơn các bạn nam thích vận động và chạy nhảy. Sẽ giới thiệu với các bố mẹ ở phần sau của bài viết này các bài tập rèn luyện sự tập trung.
Về tâm lý, cảm xúc:
Đầu tiên, tránh việc vô tình lan nỗi lo sang con, thay vào đó duy trì tâm lý háo hức, lạc quan với muôn vàn điều thú vị đang chờ đón con khi con vào lớp 1. Mỗi lần nhắc đến chủ đề Tiểu học và lớp 1 phải là sự háo hức tiếp cận những điều mới mẻ: bạn bè mới, bàn ghế mới, sách vở mới, trường mới, ba lô mới,…
- Không “nhớ lắm, quên sao được trường mầm non thân yêu”;
- không buồn bã chia tay búp bê thân yêu, gấu Misa … nữa)
- Không “đi du lịch vì sang năm vào lớp 1 rồi khó nghỉ để đi du lịch, đi chơi,… “
Hai là, hiểu rõ những thay đổi để cùng con chuẩn bị. Tăng năng lực kiểm soát cảm xúc xã hội, thông qua cho con làm quen nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn với nhiều người, đặc biệt là các bạn đồng trang lứa. Chịu khó hỏi “Hôm nay con chơi ở sân với ai đấy? Bạn ấy tên là gì?….” từ đó giúp con mở rộng vòng tròn ảnh hưởng, mở rộng các mối quan hệ bên ngoài gia đình, giúp con nhanh chóng kết thân với bạn mới khi vào lớp 1, làm quen và thích nghi với cô.
Ba là, cùng con chuẩn bị cho năm học mới, rủ con đi nhà sách, mua ba lô, quần áo mới, sách vở mới – tất cả hãy làm cùng con, đừng tranh thủ đi làm về tạt qua nhà sách, … mua đồ. Trải nghiệm ở trường mới qua các lớp trải nghiệm, thăm trường mới, tìm hiểu nhà vệ sinh ở đâu, lớp thế nào… để con thấy quen thuộc hơn….
Thói quen sinh hoạt:
Các cô ở Tiểu học thường có các “độc chiêu” khác nhau để các con yêu và nhanh chóng hòa nhập, ví dụ ngủ trưa cô thì đọc truyện, đọc thơ, cô thì hát ru, cô thì thưởng “ngủ gần cô”,… bố mẹ hãy tổ chức các hoạt động tương tự ở nhà. Các kỹ năng dùng đũa, dùng khay, hay tự xúc ăn cũng nên được khuyến khích.
- Những hoạt động/trò chơi nào có thể tổ chức ở nhà và phù hợp với Tiền Tiểu học:
Lưu ý, là các game này chủ yếu để hiểu với con và phục vụ cho nhóm Tiền tiểu học (5-6 tuổi); vì đặc thù các con đang ở độ tuổi Mầm non nên sẽ dựa trên Playing based learning – vừa học vừa chơi. Tất cả các hoạt động có chủ đích đều cần được bố mẹ giữ tinh thần trên nguyên tắc: 1. chơi là chính, chính là chơi, bắt buộc phải chơi, 2. có mục tiêu cụ thể và phù hợp với cá nhân con 3. Vai trò bình đẳng, không áp đặt; làm bạn với con trước khi làm thầy cô và bố mẹ.
- Bài tập luyện khả năng duy trì sự tập trung:
Trò nhốt sóc, nhốt thỏ, nhốt gấu,….
Tạm gọi là nhốt sóc, vì đặc tính của con sóc rất nhanh nhẹn, hoạt bát và động; nhưng có thể con chưa biết con sóc (có thể chưa xem hoạt hình Chipmunks chẳng hạn) thì đặt tên con vật quen thuộc hơn hoặc con thích, hoặc chơi nhốt sóc chán thì đổi sang nhốt chó, mèo,….
Nếu là một buổi riêng, mời “trọng tài” để thi đấu, cả nhà cùng cho chân vào một hộp carton, túi nilon, ba lô,… bất cứ thứ gì có thể “nhốt” rồi thi xem ai nhốt được lâu hơn. Cũng có thể tổ chức trước khi đi ngủ, ngồi trên giường rồi lấy gối che “sóc” lại, hoặc nhốt “sóc” vào chăn.
Mục tiêu tăng dần về thời gian và độ khó. Ai thắng sẽ có phần thưởng, tất nhiên là phần thưởng phải là con thích.
Độ khó thì ban đầu là chân, đổi món thì con dùng tay giữ chân mẹ, mẹ giữ chân bố, bố giữ chân con; ai thắng thì cả người giữ và người chủ động nhốt đều được thưởng.
Trò đấu mắt:
Hai người nhìn nhau xem ai chớp mắt sau thì thắng. Có trọng tài thì âm thầm tăng thời gian “thông báo kết quả”.
Trò đấu ngón tay:
- Gấp vào từng ngón thật chậm, rồi mở ra thật chậm từ tay này sang tay kia.
- Dùng ngón cái tay phải lần lượt chạm ngón trỏ tay trái, rồi ngón cái tay trái chạm ngón trỏ, sau đó đến ngón giữa và đến ngón út thì làm chiều ngược lại; ai làm được nhiều vòng hơn thì thắng.
Trò con gì kêu?
Thi nghe xem có bao nhiêu loại tiếng động, bao nhiêu tiếng kêu và đoán những con gì, cái gì kêu. Có thể chơi ở nhà, ở công viên, …
Nếu có con ốc biển, áp vào tai nghe rồi “mô tả lại”/kêu lại theo tiếng ốc biển”….
Trò đoán hình:
Bố/mẹ ngồi dựa lưng vào con; bố mẹ sẽ phải đoán con nghĩ hình gì bằng cách vẽ ra giấy. Con vừa tưởng tượng vì nói ra sẽ bị lộ =)) (vuông, tròn, tam giác,…..) vừa nhắm mắt vẽ lại trên giấy; bố/mẹ vẽ. Con sẽ mở mắt xem hình của mình trước, sau đó nhắm mắt vẽ lại, vẽ 1-2-3-4-5 lần rồi chọn hình “giống tưởng tượng nhất” rồi so với hình vẽ của bố mẹ, bố mẹ vẽ giống thì được con thưởng.
- Bài tập luyện kỹ năng giao tiếp (quan sát, tiếp nhận, hiểu, chủ động trao đổi/phát ngôn/…)
Giao tiếp có 2 phần: Tiếp nhận (lắng nghe/quan sát) và truyền đạt (nói/viết/vẽ…), 4 kỹ năng quen thuộc: Nghe, nói, đọc, viết
Viết lời cho tranh/Kể chuyện:
Dựa trên một vài bức tranh, bố mẹ cùng con cùng tưởng tượng ra hội thoại, nội dung và kể thành câu chuyện.
Ra đề bài: Thi kể chuyện có các nhân vật, Bắt đầu từ 2-3 dữ kiện/nhân vật, sau đó tăng dần. Ví dụ: có hoàng tử/công chúa, chó sói, bóng bay, dây buộc tóc,….
Trò này chơi trước khi đi ngủ vui cực. “Ngày xửa ngày xưa, ở một lâu đài nọ, ở tận tầng 8, có một cô công chúa. Cô công chúa rất thích buộc bóng bay bằng dây buộc tóc nhưng rất sợ chó sói.
Trò chơi đóng vai:
Trẻ rất thích chơi trò chơi này, con đóng vai mẹ, mẹ là con; con là cô giáo; con là chú cảnh sát giao thông, là spiderman, siêu nhân giải cứu,…; là ca sĩ, người mẫu; công chúa….
Thỏa thuận kịch bản sơ bộ rồi diễn cùng con.
Trò chơi gọi điện thoại/đồ hàng:
Một số lưu ý:
- Nói ngọng giống con: Ông bà, bố mẹ,… quen rằng “ton tó”, ton ơi… là đáng yêu, nhưng với con sắp vào lớp 1 thì nên nói “nghiêm chỉnh” miễn tươi cười là được.
- Cười khi con mắc lỗi: Bố mẹ cố nhịn nhé, nhưng hãy tập câu “con sắp làm được rồi”, hôm nay con tô đẹp hơn, viết đẹp hơn