GIÁO DỤC TRÍ TUỆ CẢM XÚC- BƯỚC ĐỘT PHÁ CÙNG A.N.S

Trong thời đại toàn cầu hóa, để phù hợp với sự chuyển mình nhanh chóng và mạnh mẽ của cuộc sống. Con người không chỉ cần có trí thông minh, thực tế cho thấy, trí thông minh cao chưa đảm bảo cho sự thành công và hạnh phúc của mỗi người. Ngày nay, theo cách hiểu đầy đủ hơn, quan niệm về trí tuệ được mở rộng bao gồm trí thông minh, trí tuệ sáng tạo và trí tuệ cảm xúc.

Trí tuệ cảm xúc là khả năng hiểu chính mình, thấu hiểu cảm xúc của những người xung quanh và hiểu được cảm xúc của mình ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào. Để từ đó có sự điều chỉnh hành vi thái độ cho phù hợp để đạt được mục đích, hiệu quả trong giao tiếp. Đối với mỗi học sinh khi được giáo dục về cảm xúc sẽ có khả năng ứng phó lành mạnh với căng thẳng.Học sinh có thể học cách đối mặt và giảm thiểu đáng kể lượng căng thẳng trong cuộc sống bằng cách phát triển khả năng trí tuệ cảm xúc. Quản lý cảm xúc là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của việc tạo ra một môi trường học tập lành mạnh. Giúp học sinh vượt qua được sự buồn chán và duy trì sự tập trung của mình đối với các nội dung học tập.

Bên cạnh đó việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc cũng sẽ giúp các em duy trì mối quan hệ thân thiết với giáo viên, bạn bè và gia đình. Điều này đồng nghĩa với việc các em có thể kêu gọi bạn bè và giáo viên giúp đỡ khi gặp khó khăn hay học hỏi từ những người khác trong công việc, nhóm hoặc có thể kêu gọi người khác hỗ trợ tinh thần. Khi học sinh có thể hiểu và quản lý được cảm xúc của mình, các em sẽ có nhiều khả năng đạt điểm cao và vượt trội trong các bài kiểm tra. Trên thực tế, khi nói đến kết quả học tập, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc cũng quan trọng như trí thông minh nhận thức và thái độ tận tâm.

Lợi ích đối với trường học trong việc giáo dục cảm xúc cho học sinh mang đến rất nhiều những sự thay đổi trong văn hóa học đường. Giúp cải thiện thành tích học tập của học sinh, thúc đẩy những hành vi xã hội tích cực, giảm bạo lực và gây hấn trong trường học. Khi đó học sinh sẽ có cơ hội nâng cao nhận thức về bản thân, cải thiện được sức khỏe thể chất giúp học sinh có nhiều cơ hội thành công trong tương lai. ANS nhận thức rất rõ nếu chỉ tập trung vào việc dạy học sinh thông minh và chăm chỉ thôi là chưa đủ. Quan trọng hơn học sinh cần được hỗ trợ và giáo dục phát triển trí thông minh cảm xúc, để từ đó có thêm lợi thế để thành công và hạnh phúc trong tương lai.

Theo Th.S Lê Hương – Cán bộ Tâm lý học đường ANS: “Trong năm học 2021-2022 Nhà trường đã đưa chương trình Giáo dục trí tuệ cảm xúc- Xã hội vào nội dung học tập, triển khai ở tất cả các khối lớp THCS. Chương trình đã nhận được quan tâm và yêu thích của các em học sinh. Giúp các em có ý thức hơn về bản thân, hiểu và chia sẻ với những vấn đề của bố mẹ, bạn bè, trường học. Thích ứng được với những sự thay đổi về điều kiện học tập, sinh hoạt, giao tiếp xã hội… trong thời kỳ dịch bệnh Covid. Giảm thiểu được những căng thẳng và các vấn đề tâm lý trong lứa tuổi học đường”.