CHUYỆN NGHỀ GIÁO: CÔ GIÁO NGÔ NGỌC LINH VÀ BÀI VIẾT TRUYỀN CẢM HỨNG CHO HỌC TRÒ YÊU THÍCH MÔN SỬ

Biết bao nghề nghiệp đang tồn tại và phát triển trong xã hội, nghề nào cũng đáng trân trọng và yêu quý tất cả mọi nghề nhưng cũng rất tự hào và vinh dự với nghề dạy học! Bởi vì dạy học không bao giờ là một nghề tầm thường, hoặc là một kế sinh nhai mà là một “Thiên chức đam mê”. Mac xim Gooc Ki đã viết “Tiền đồ trẻ em và nhân dân đều nằm trong tay thầy cô giáo, đều nằm trong trái tim cao quý của người thầy”. Bác Hồ kính yêu của chúng ta lúc sinh thời cũng đã từng dạy bảo: “Những thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh. Nếu không có thầy giáo để dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao xây dựng được xã hội chủ nghĩa?”.

Nghề giáo là một trong những nghề kỳ diệu nhất. Ở đó, năm này qua năm khác người thầy tự nhân mình lên qua các học trò của mình. Người thầy giáo cũng tự nhân mình lên gieo vào tâm hồn, trí tuệ của học sinh những tri thức cao quý, những phẩm chất tốt đẹp của mình và không có gì cao cả hơn sứ mệnh đó!

Lao động của thầy giáo có giá trị cao đẹp ở chỗ là tạo ra cho con người có ích cho cuộc đời. Dù ở địa vị nào trong xã hội, dù làm gì đi nữa thì con người luôn tưởng nhớ đến những người thầy đáng kính, đến những ngôi trường thương yêu của mình đã từng học tập qua thời niên thiếu với một tình cảm tốt đẹp và lòng biết ơn sâu nặng nhất.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 16 năm thành lập Hệ thống PTLC Alfred Nobel School; các Thầy cô giáo ANS đã có những bài viết ý nghĩa về #Chuyện_Nghề_giáo. Dưới đây, xin trích bài viết của Cô giáo Ngô Ngọc Linh, giáo viên Lịch sử – Trường THCS & THPT Alfred Nobel School.
(Cô giáo Ngô Ngọc Linh)
ANS – NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG CHO HỌC SINH YÊU MÔN LỊCH SỬ
Tôi đã từng nghe thấy một câu ngạn ngữ rằng: “Dạy học là đặt vết tích của một người vào sự phát triển của một người khác. Và chắc chắn học trò là ngân hàng, nơi bạn có thể gửi kho báu quý giá nhất của bạn”. Đúng là như vậy, tôi không nghĩ mình sẽ là một giáo viên vĩ đại, nhưng tôi luôn muốn mình sẽ truyền được cảm hứng môn Lịch Sử cho học sinh của mình, truyền cả nguồn năng lượng sống yêu người, yêu nghề đến với các em. “Cơ duyên” đến với giáo viên môn Lịch sử của tôi bắt nguồn từ sự đam mê tìm hiểu môn học và môi trường giáo dục tại Trường THPT Chu Văn An – Hà Nội. Hồi đó, tôi và các bạn trong lớp chuyên Sử đã cùng sinh hoạt, học tập, vui chơi với nhau như một gia đình; lớn lên và trưởng thành nhờ sự chỉ dẫn tận tình, chu đáo và đầy trách nhiệm của các thầy, cô giáo. Họ không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là những “thần tượng” trong tâm khảm của tôi.
Với lòng kính trọng và đầy tự hào về những thầy, cô giáo của mình, khi đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã ước mơ sau này sẽ cố gắng để trở thành một giáo viên tốt, góp sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người. Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Thời gian trôi thật nhanh, tôi không nghĩ mình đã trở thành một giáo viên dạy Lịch Sử với kinh nghiệm 5 năm trong nghề tại ANS.
VẬY PHẢI LÀM GÌ ĐỂ THẮP LÊN NIỀM HỨNG THÚ, ĐAM MÊ VÀ GIÚP HỌC SINH YÊU THÍCH MÔN LỊCH SỬ? ĐÓ LÀ ĐIỀU MÀ TÔI LUÔN TRĂN TRỞ
Với kinh nghiệm cũng như tình yêu nghề, tôi luôn đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với điều kiện của ANS để “thổi hồn” vào mỗi bài giảng, tạo sự say mê cho học trò. Ngày xưa người thầy có vai trò vô cùng quan trọng là truyền thụ kiến thức cho học trò. Trong thời đại cách mạng 4.0, tri thức nói chung và Lịch Sử nói riêng vẫn là một thành tố quan trọng trong quá trình dạy – học nhưng người thầy sẽ phải định hướng đến việc học của học trò nhiều hơn thông qua việc giúp họ tìm ra phương pháp học, tìm kiếm thông tin và chắt lọc xử lý để hình thành kiến thức mới và vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn. Nhưng tôi luôn tâm niệm, vai trò thứ hai của người thầy là phải biết truyền cảm hứng cho người học như câu nói nổi tiếng của William A. Warrd: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.
Tôi nhận thức được muốn một tiết học thành công, người giáo viên cần phải tâm huyết, đầu tư nhiều công sức cho bài giảng. Muốn được như vậy, người giáo viên phải tự bồi dưỡng, tự rèn luyện và không ngừng nâng cao tay nghề vì muốn có học sinh giỏi thì phải có giáo viên giỏi. Ở ANS, tôi thường kể cho học sinh nghe những câu chuyện lịch sử, cho các em hóa thân vào các nhân vật, thông qua những hoạt động đó học sinh được trải nghiệm, sẽ hiểu và yêu thích hơn các sự kiện. Câu chuyện sẽ hấp dẫn nếu giáo viên biết cách nhấn mạnh vào tình tiết trọng tâm, diễn đạt truyền cảm và biểu cảm. Để tái hiện được không khí đó đòi hỏi tôi phải tìm đọc nhiều tài liệu đa chiều, phải dạy bằng tất cả tâm huyết, tình yêu và đam mê với sử. Nhiều câu chuyện khi tôi kể, bản thân rất xúc động. Chính cảm xúc chân thực đó đã truyền cảm hứng đến học sinh, khiến các em có thái độ đúng đắn với môn học. Những câu chuyện đó không phải chỉ truyền tải nội dung một chiều, mà học sinh được tham gia đóng vai nhân vật, được sáng tạo từ những câu chuyện đó các em sẽ hiểu và nhớ hơn là chỉ học theo cách thông thường. Khi dạy, tôi cũng không dùng những câu từ quá hàn lâm, nhưng câu từ đó khiến học sinh khó nhớ, từ một khái niệm mình đưa ra một dẫn chứng hay ví dụ nào đó dễ hiểu nhất để các con nhớ được. Giảng dạy lịch sử tại ANS, tôi nghĩ không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn giáo dục các giá trị truyền thống, nhân cách con người và vận dụng trong cuộc sống. Để làm được điều này đòi hỏi giáo viên phải là người có kiến thức lịch sử sâu rộng, phấn đấu để trở thành người nghệ sĩ kể chuyện lịch sử tạo hứng thú cho học sinh.
❤️ Trong giờ giảng ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, tôi luôn tìm những hình ảnh, video để trình chiếu giúp cho học sinh có cái nhìn trực quan, tác động trực tiếp gần gũi dễ hiểu hơn những mốc sự kiện. Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số thời 4.0. Qua thực tế giảng dạy, bản thân tôi đã kiểm chứng được việc sử dụng sơ đồ tư duy trong quá trình dạy học để giúp học sinh nắm vững, khắc sau kiến thức một cách logic bởi hình thức ghi chép kết hợp các liên tưởng bằng màu sắc, hình ảnh, từ ngữ, đường nét trong việc đào sâu kiến thức mới cũng như hệ thống hoá kiến thức cũ. Từ đó, giúp các em tự tin hơn trong học tập.
❤ Tôi cũng áp dụng với hình thức dạy học lịch sử theo chủ đề. Ở ANS, trong các tiết học, tôi thường phát triển năng lực chuyên môn lịch sử cho học sinh thông qua việc củng cố, nâng cao tri thức về lịch sử Việt Nam, khu vực và thế giới thông qua hệ thống chủ đề về lịch sử chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa- văn minh, tôn giáo- tín ngưỡng, dân cư- tộc người, nghệ thuật – kiến trúc, ngoại giao – quan hệ quốc tế… Thông qua hệ thống chủ đề này, tôi cũng giúp các em có khả năng tiếp cận và xử lí thông tin từ những nguồn khác nhau, có khả năng xâu chuỗi các sự kiện lịch sử có liên quan, đưa ra nhận xét cá nhân về các sự kiện, chủ đề lịch sử, xây dựng năng lực phản biện và sáng tạo, từ đó có khả năng vận dụng những kinh nghiệm lịch sử vào thực tiễn, dùng tri thức lịch sử để giải thích những vấn đề hiện tại.
❤ LỜI KẾT ❤️
Tựu chung lại, giờ học lịch sử tại ANS của tôi với học trò cũng giống như quá trình tìm kiếm sự thật lịch sử. Học sinh được hướng dẫn đọc hiểu, giải mã văn bản lịch sử thông qua các kênh hình, kênh chữ, hiện vật lịch sử… để từ đó tái hiện quá khứ, nhận thức sự thật lịch sử, đưa ra suy luận, đánh giá về bối cảnh, nguồn gốc, sự tiến hóa của sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử cũng như quá trình phát triển của lịch sử. Mục tiêu trong việc giảng dạy Lịch sử của tôi chính là truyền cảm hứng và giúp cho học sinh yêu thích môn lịch sử, thông hiểu lịch sử và quan trọng hơn là biết kết nối lịch sử với hiện tại để hiểu rõ hơn về thế giới, về đất nước mà các em chính là những chủ nhân tương lai.
Chỉ cần một trái tim tâm huyết, một tinh thần trách nhiệm với nghề và tấm lòng tận tụy với học trò, chúng ta sẽ tạo nên sự tương tác tốt với học trò để phục vụ việc học môn Lịch sử tốt hơn, hiệu quả hơn. Tôi nghĩ, sẽ không có nhân tài nào xuất hiện, phát minh nào ra đời khi không có sự đam mê, sáng tạo. Vì vậy, các thầy cô hãy là người thắp ngọn đuốc đam mê học tập môn Lịch sử cho các em.
 Nói như nhà văn Nhật Bản Kakura: “Con người là ngọn đèn được thắp sáng, chứ không phải là những cái bình nước cần được đổ đầy”. Vì thế, tôi cũng lựa chọn cho mình triết lý giáo dục là sự “thắp sáng” thay vì “đổ đầy”. Giáo dục là truyền đam mê, là thắp lên ngọn lửa ham học trong trái tim của mỗi người học ✨
 HÃY LÀ MỘT NHÀ GIÁO ĐẦY CẢM HỨNG